Chiều ngày 25/5/2023, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H’Drai phối hợp với Tòa án cùng cấp, tổ chức phiên tòa trực tuyến với điểm cầu Nhà tam giữ Công an huyện Ia H’Drai để xét xử vụ án Bế Văn Hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 BLHS. Đồng chí Hoàng Văn Dân – Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.
Toàn cảnh vụ án xét xử trực tuyến tại điểm cầu tòa án huyện Ia H’Drai
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H’Drai: Vào khoảng 14 giờ 00 phút, ngày 30/11/2022 anh Bế Văn Hợp
(Sinh năm 1991, trú tại thôn 2, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) đi cùng anh Vi Văn Luận
(Sinh năm 1990, trú cùng thôn) và 02 người khác đến quán bi-a “Tốc độ” để đánh bi-a, trong lúc đánh bi-a thì giữa anh Hợp và anh Luận xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến Hợp đã dùng cây cơ bi-a đánh anh Luận 01 cái vào đầu, 01 cái vào lưng gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 42%.
Bị cáo Bế Văn Hợp ở điểm cầu nhà tạm giữ công an huyện Ia H’Drai
Căn cứ vào các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi, công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh và tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát và các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bế Văn Hợp 36 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 134 BLHS.
Việc số hóa hồ sơ các vụ án hình sự đã mang lại hiệu quả rõ rệt; dễ dàng lưu trữ truy xuất dữ liệu, nhất là tìm kiếm tài liệu đối với những vụ án phức tạp với nhiều tài liệu, bút lục; thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong quá trình xét xử, các tài liệu được trình chiếu đảm bảo tính công khai; giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình tranh tụng, đưa ra quan điểm chính xác, có tính thuyết phục cao. Điều này cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm sát viên.
Việc xét xử trực tuyến giúp nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về áp dụng khoa học, kĩ thuật, thúc đẩy công nghệ số trong hoạt động tư pháp. Tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; phiên tòa được ghi âm ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm; xét xử trực tuyến còn là phương án tối ưu trong tình huống bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.