Hành vi này không chỉ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn gây ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.
Công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng là hung khí nguy hiểm như dao, cây gậy, dao rựa; nhiều vụ việc đối tượng phạm tội rất manh động, thiếu sự kiềm chế, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác. Địa điểm xảy ra chủ yếu tại nhà các đối tượng hay những nơi tập trung đông người như: trên đường giao thông, các quán nhậu, quán ăn, quán hát karaoke, xuất phát từ những mâu thuẫn, xung đột nhỏ nhặt.
Thông qua kết quả đánh giá, phân tích tình hình vi phạm và tội phạm xảy ra trên địa bàn huyện, trong đó có các vụ, việc về tội cố ý gây thương tích, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H’Drai xác định các nguyên nhân chủ yếu xảy ra hành vi trên trước hết là do một bộ phận người dân quan niệm đồng tiền là trên hết, bất chấp thủ đoạn để thực hiện mục đích của mình, kể cả xô xát, đánh nhau dẫn đến phạm tội cố ý gây thương tích; một số thanh niên sử dụng rượu, bia, chất kích thích làm con người nóng nảy, thiếu kiềm chế, ứng xử không đúng chuẩn mực khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ không thể bỏ qua. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương còn chưa thường xuyên. Trong khi đó sự phối hợp trong quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ.
Từ nhận định trên, Viện trưởng VKS huyện Ia H’Drai đã ban hành Kiến nghị số 01/KN-VKS, ngày 19/4/2023 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện thực hiện các nội dung sau:
- Cần tăng cường công tác quản lý xã hội ở địa phương, chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an huyện Ia H’Drai và Công an các xã thường xuyên ra quân trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội để bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm quán nhậu, dịch vụ giải trí và những nơi tập trung đông người.
- Chỉ đạo Công an huyện Ia H’Drai thường xuyên báo cáo về tình hình trật tự xã hội, đặc biệt là tội cố ý gây thương tích trên từng địa bàn, khu vực để kịp thời nắm bắt chỉ đạo, trên cơ sở đó tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở không để xảy ra các mâu thuẫn lớn dẫn đến việc đánh nhau gây thương tích.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tăng cường phối hợp với gia đình, trường học quan tâm, giám sát những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự đến rộng rãi quần chúng nhân dân thông qua công tác hòa giải tại cơ sở và xét xử các vụ án hình sự.
- Chỉ đạo Đài truyền thanh huyện và UBND cấp xã thường xuyên tuyên truyền trong quần chúng nhân dân nâng cao giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia; xây dựng lối sống đoàn kết tại khu dân cư.
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại địa phương (ảnh minh hoạ)