Toàn cảnh phiên tòa xét xử lưu động, “số hóa hồ sơ” vụ án “Hủy hoại rừng”
Theo cáo trạng truy tố của VKS, do muốn có đất để sản xuất nông nghiệp nên vào khoảng tháng 10 năm 2022, Hà Ngọc Bình đã nhờ Hà Tuấn Anh đi cắt hạ cây rừng cho mình tại lô 9, 14 khoảnh 5, Tiểu khu 510 do hộ gia đình ông A Ni và Cộng đồng thôn 4 (Kon Mong Tu), xã Đăk Tơ Lung quản lý. Sau đó, Bình nhờ Nguyễn Hoài Đức hỗ trợ Tuấn Anh trong thời gian cắt hạ cây rừng. Đức nhờ Đinh Đại Hải Dương phân công A Khâm, A Thoát và Nguyễn Tấn Thương là những công nhân cùng đội của Dương, đi phụ giúp bị can Tuấn Anh cắt hạ cây rừng. Mặc dù biết rõ việc đi phụ giúp bị can Tuấn Anh không phải là công việc hàng ngày được phân công và biết rõ nơi bị can Tuấn Anh cắt hạ cây là rừng nhưng A Khâm, A Thoát và Nguyễn Tấn Thương vẫn đồng ý phụ giúp bị can Tuấn Anh. Quá trình Tuấn Anh đi cắt hạ cây rừng, Bình còn cung cấp tiền mua xăng, nhớt và máy cưa để Tuấn Anh cắt hạ cây rừng, Đức còn hỗ trợ Tuấn Anh chỗ ở, công cụ, phương tiện (xe mô tô, dao rựa) và chỉ dẫn đến khu vực rừng tại tiểu khu 510 cắt hạ cây rừng. Tổng diện tích rừng đã bị chặt phá toàn bộ là 10.443,18 m2, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước trị giá 50.917.944 đồng.
Kiểm sát viên công bố bản Cáo trạng
Trải qua quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà và trên cơ sở đề nghị của Viện KSND huyện Kon Rẫy, cùng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ngày 11/03/2024, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Hà Ngọc Bình 39 (Ba chín) tháng tù; Hà Tuấn Anh 36 (Ba sáu) tháng tù; Nguyễn Hoài Đức 36 (Ba sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 05 năm; và A Khâm 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 24 tháng.
04 bị cáo, từ trái sang phải lần lượt là: Hà Tuấn Anh, A Khâm,
Hà Ngọc Bình, Nguyễn Hoài Đức trong phần xét hỏi.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Kon Rẫy đã thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đảm bảo phiên tòa diễn ra theo đúng quy định của pháp luật; phân tích, đánh giá đầy đủ tính chất nguy hiểm của hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của các bị cáo và đề nghị mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo, được người dân tại địa phương đồng tình.
Như vậy, phiên tòa xét xử lưu động được xem là cầu nối giúp người dân trên địa bàn hiểu toàn diện hơn những quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật lâm nghiệp; nâng tầm nhận thức về trách nhiệm của mỗi người trong việc tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về rừng./