Ngày 06/5/2022, VKSND tỉnh Kon Tum phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với vụ án Lê Văn Minh cùng đồng phạm bị TAND thành phố Kon Tum xét xử sơ thẩm về tội:
“Tàng trữ trái phép chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo các Điều 249, 251 và 255 Bộ luật Hình sự.
Tham dự phiên tòa có cán bộ, Kiểm sát viên của các Phòng 1, 2, 7 – VKSND tỉnh Kon Tum và một số Thẩm phán, Thư kí của TAND tỉnh Kon Tum. Người bào chữa là ông Nguyễn Hà Luân, luật sư của Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bào chữa cho bị cáo Lê Văn Minh.
Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm
Tại Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Kon Tum tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh 10 năm tù về tội:
“Tàng trữ trái phép chất ma túy”; 36 tháng tù về tội:
“Mua bán trái phép chất ma túy”; 07 năm 06 tháng tù về tội:
“Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Lê Văn Minh phải chấp hành hình phạt chung cho cả 03 tội là 20 năm 06 tháng tù.
Tuyên phạt bị cáo Trần Minh Tuấn 30 tháng tù về tội
“Mua bán trái phép chất ma túy”. Tuyên phạt bị cáo Lương Quốc Hùng 52 tháng tù về tội:
“Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tuyên phạt bị cáo Trần Huỳnh Vĩnh 24 tháng tù về tội
“Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Sau phiên tòa sơ thẩm, 03 bị cáo Lê Văn Minh, Trần Minh Tuấn, Trần Huỳnh Vĩnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo tại phiên tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Văn Minh và Trần Minh Tuấn thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan. Người bào chữa ông Nguyễn Hà Luân đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại do vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã thực hiện việc trình chiếu các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án đã được số hóa, đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng, làm cơ sở cho việc chứng minh, đánh giá việc thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là không có căn cứ; khẳng định bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo là có căn cứ và đúng pháp luật. Kiểm sát viên cũng công bố tài liệu, chứng cứ như (các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can, biên bản phiên tòa sơ thẩm hình sự...) để bác bỏ luận cứ của luật sư bào chữa. Đồng thời, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo. Kết quả xét xử, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Màn hình trình chiếu chứng cứ
Kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa. Các ý kiến đã nhận xét ưu, hạn chế của Kiểm sát viên để rút kinh nghiệm chung, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ trong đơn vị. Đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác kiểm sát giải quyết các vụ án là việc cần thiết, cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.