Theo cáo trạng: Vào chiều ngày 13/7/2024, bị can Phạm Tiến Thành (SN: 2000; trú tại: thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) điều khiển xe mô tô BKS 82B1-843.31 đi xuống ngã tư giao nhau giữa đường Bà Triệu với đường Lê Hồng Phong của thành phố Kon Tum để mua ma túy của một người đàn ông (không biết tên và địa chỉ) với số tiền 500.000 đồng. Sau khi mua được ma túy, Thành đi về nhà mình tại thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, Thành đi về tới nhà mình, rồi Thành mang số ma túy đã mua được và dụng cụ dùng để sử dụng ma túy đi ra phía sau bên hông nhà của mình để sử dụng ma túy. Lúc này, bị can Phạm Thị Ngọc Khuê ((SN: 2006; trú tại: thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cũng theo Thành đi ra. Khi thấy Thành cầm ma túy và dụng cụ sử dụng ma túy thì Khuê đã hỏi Thành, mua ma túy lúc nào, của ai, ở đâu và bao nhiêu tiền nhưng Thành chỉ nói là mua 400.000 đồng. Sau đó, Khuê thấy Thành lấy ra 01 túi ni lông màu trắng trong suốt bên trong có ma túy, rồi Thành dùng 01 ống hút nhựa màu trắng xúc ma túy từ bên trong túi ni lông nói trên bỏ vào nồi và dùng quẹt khò hàn miệng túi ni lông bên trong có ma túy lại. Lúc này, Thành dùng quẹt khò đốt nóng nồi lên và sử dụng ma túy. Khuê thấy bên trong túi ni lông còn ma túy nên nói Thành cho mình xem thử nhưng Thành không cho xem, rồi Thành đưa ống hút và đốt nồi cho Khuê sử dụng ma túy. Sau khi sử dụng ma túy xong, Khuê đi về nhà mình, còn Thành mang túi ni lông có chứa số ma túy còn lại và dụng cụ sử dụng ma túy đi cất giấu. Đến khoảng 14 giờ ngày 14/07/2024, Khuê đi bộ đến nhà Thành chơi, rồi hai người đi bộ ra sau bên hông nhà Thành và tiếp tục cùng nhau sử dụng ma túy. Đến khoảng 22 giờ ngày 15/07/2024, vì bị bố mình la mắng nên Khuê đến nhà Thành chơi, rồi Thành rủ Khuê đi nhà nghỉ ngủ. Sau đó, Thành đã mang theo số ma túy còn lại của 2 lần sử dụng trước đó và dụng cụ sử dụng ma túy, rồi Thành điều khiển xe mô tô BKS BKS 82B1-843.31 chở Khuê đi đến nhà nghỉ Phương Lệ II ở Thôn 09, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Sau khi thuê được phòng số 205 của Nhà nghỉ Phương Lệ II thì Thành lấy dụng cụ sử dụng ma túy và ma túy đã mang theo ra để sử dụng ma túy một mình, còn Khuê đi ngủ. Đến khoảng 01 giờ 30 phút sáng ngày 16/7/2024 thì Khuê tỉnh dậy. Lúc này, Thành hỏi Khuê có hút ma túy không, Khuê nói có, rồi Thành đốt nồi cho Khuê sử dụng ma túy. Đến khoảng 16 giờ 10 phút cùng ngày thì Phạm Tiến Thành bị Công an huyện Kon Rẫy bắt quả tang khi đang tàng trữ trái phép 01 túi ni lông bên trong có chứa chất ma túy loại Methamphetamine, với tổng khối lượng là 0,126 gam. Ngoài 03 lần sử dụng ma túy cùng Khuê nói trên thì cả Thành và Khuê đều khai nhận: Thành còn cung cấp ma túy và dụng cụ sử dụng ma túy cho Khuê sử dụng ma túy cùng Thành vào khoảng thời gian cuối tháng 4 và đầu tháng 5 của năm 2024 tại nhà nghỉ 75K ở thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình. Căn cứ tính chất mực độ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Tiến Thành 02 năm tù về tội “ Tàng trữ trái phép chất ma túy” và 09 năm tù về tội “ Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ” – tổng hợp hình phạt 11 năm tù, bị cáo Phạm Thị Ngọc Khuê 09 tháng tù về tội “ Không tố giác tội phạm”. Việc mở phiên tòa xét xử lưu động các vụ án về ma túy không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc trừng trị, giáo dục người phạm tội mà còn góp phần tuyên truyền về tác hại cảu ma túy, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên góp phần chủ động phòng ngừa, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người thân không phạm tội và sa vào tệ nạn ma túy.
Kết thúc phiên tòa, VKSND huyện Kon Rẫy đã tiến hành họp rút kinh nghiệm chung đối với công tác xét xử và các vấn đề chuyên môn đối với phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng công tác của mỗi cơ quan và các Kiểm sát viên.
Việc tổ chức thành công phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm đã giúp cho các Kiểm sát viên tham dự phiên tòa có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của mình, từ đó đáp ứng tốt các yêu cầu về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân./.
Ảnh: Toàn cảnh phiên tòa lưu động