Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc, về phía VKSND tối cao có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Tạ Quang Khải; cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Đồng chí Phan Tâm, đồng chí Phạm Anh Tuấn, đồng chí Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua. Đồng thời mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tư vấn triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng CNTT cho cán bộ của ngành Kiểm sát.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: Ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân là một trong những nội dung được Viện trưởng cùng Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đặc biệt quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới.
Về thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, Đại diện Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao cho biết, trong những năm qua, VKSND tối cao đã xây dựng nhiều phần mềm góp phần hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ, như: Phần mềm quản lý văn bản điều hành; phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm quản lý, thống kê án... Tuy nhiên, các phần mềm hiện có mới chỉ đáp ứng được một phần hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, chưa đáp ứng được hết yêu cầu công việc đề ra; còn nhiều hạn chế, thiếu tính liên thông, đồng bộ; cùng với đó là hạ tầng công nghệ thông tin còn tương đối lạc hậu, chưa đảm bảo tốt việc an toàn bảo mật thông tin...
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, ngành Kiểm sát nhân dân đặt mục tiêu ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2021-2030 phải bảo đảm 100% các vụ án được quản lý bằng phần mềm; 100% Viện trưởng VKSND các cấp theo dõi được tất cả các phiên tòa cùng cấp và cấp dưới bằng hình thức trực tuyến; bảo đảm dữ liệu điện tử, số hóa phục vụ hầu hết các hoạt động quản lý điều hành và công tác chuyên môn của Ngành; bảo đảm an toàn thông tin, không bị lộ lọt thông tin... Đồng thời triển khai chứng thư số, chữ ký số trong toàn Ngành và tích hợp và các phần mềm nghiệp vụ nhằm nâng cao tính bảo mật cho các ứng dụng; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ (LGSP) nhằm tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của VKSND và giữa VKSND với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp dịch vụ quốc gia và các hệ thống thông tin khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngành Kiểm sát nhân dân cũng không đứng ngoài xu hướng này; để thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân đòi hỏi phải có chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận đột phá cùng quyết tâm chính trị của người đứng đầu và xây dựng nền tảng thống nhất trong toàn Ngành. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Thông tin và truyền thông có trách nhiệm hỗ trợ VKSND tối cao xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân với các nhiệm vụ chính: Tạo lập hạ tầng bao gồm các dữ liệu dùng chung, thống nhất; xây dựng nền tảng quản lý văn bản điện tử thống nhất trong toàn bộ hệ thống; tạo lập nền tảng phân tích dữ liệu hỗ trợ cho công tác kiểm sát; triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát trên môi trường số thông qua nền tảng thống nhất...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tin rằng, với sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan, việc chuyển đổi nền tảng công nghệ số trong ngành Kiểm sát nhân dân sẽ được hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi làm việc, đã có nhiều ý kiến đóng góp và giải đáp các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc được các đại biểu đưa ra thảo luận như: Giải pháp số hóa hồ sơ; giải pháp nền tảng công nghệ thông tin; tính liên thông, liên kết, đồng bộ; giải pháp an toàn, bảo mật thông tin; phương án đầu tư hiệu quả... góp phần hoàn thiện phương án, giải pháp ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân thời gian tới./.
Nguồn tin: kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn